Mục lục
- Được mệnh danh là “thủ phủ” chè của Việt Nam, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè. Sản xuất đa dạng sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn đã giúp người trồng chè nâng cao thu nhập.
- Sản xuất sạch – “cánh cửa” để làm giàu
- Liên kết bền vững – đầu ra ổn định
- Phát triển du lịch gắn với cây chè
Được mệnh danh là “thủ phủ” chè của Việt Nam, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè. Sản xuất đa dạng sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn đã giúp người trồng chè nâng cao thu nhập.
Cây chè đang góp phần thay đổi diện mạo cho nhiều hộ gia đình ở Thái Nguyên.
Sản xuất sạch – “cánh cửa” để làm giàu
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, hiện nay tỉnh này đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu trên 22.000ha chè búp tươi; sản lượng búp tươi đạt trên 230.000 tấn/năm, dẫn đầu cả nước. Đồng thời, mỗi năm, địa phương cũng trồng mới và trồng thay thế hơn 1.000ha chè bằng những giống có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất chè xanh, chè xanh đặc sản.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 65 hợp tác xã, 120 công ty sản xuất chè, gần 200 làng nghề làm chè đến từ 6 vùng đặc sản của tỉnh với nhiều sản phẩm đã đạt giải cao của quốc tế gồm: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài – Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương), Phú Ninh (huyện Định Hóa)
Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, thành viên HTX chè Tuyết Hương (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ), có 1ha chè, đã canh tác ổn định trên 30 năm qua. Đến năm 2012, bà gia nhập HTX và tham gia sản xuất chè theo hướng VietGAP. Những năm qua chè VietGAP của gia đình bà có giá bán từ 250.000 đồng/kg, thu nhập của gia đình bà đạt khoảng 810 triệu đồng/năm. Trừ chi phí gia đình cũng thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Theo bà Tuyết, từ khi vào HTX chè Tuyết Hương, việc trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… các hộ đều phải ghi nhật ký rõ ràng, việc giám sát được luôn được các thành viên cũng như ban lãnh đạo HTX kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào sử dụng các loại thuốc không có trong danh mục sản xuất VietGAP sẽ bị loại ra khỏi nhóm hộ áp dụng tiêu chuẩn này.
Bà Nguyễn Thị Lệ – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Để góp phần nâng cao giá trị cho cây chè Đồng Hỷ, những năm qua cùng với chính sách hỗ trợ 50% tiền giống để chuyển đổi trồng giống chè mới của tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ cũng hỗ trợ thêm cho bà con 30% giá trị giống chè để nhằm hỗ trợ nông dân trồng và phát triển những giống chè mới năng suất và chất lượng cao.
Với việc được hỗ trợ giống để nâng cao chất lượng và sản xuất chè sạch ngay từ ban đầu, nông dân trong huyện Đồng Hỷ rất phấn khởi triển khai và thực hiện. Đến nay huyện Đồng Hỷ đã trồng mới được 900ha các giống LDP1, TRI 777, Kim Tuyên… tập trung ở các xã như: Văn Hán, Minh Lập, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu.
Liên kết bền vững – đầu ra ổn định
Tính đến nay, hầu hết diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đều được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế. Thái Nguyên đã có hàng nghìn héc-ta chè được chứng nhận VietGAP và chứng nhận an toàn khác.
Ông Lý Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá – cho biết: Bắt đầu từ cuối năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai dự án “Liên kết sản xuất chè xanh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Định Hóa”.
Được quy hoạch, nhiều vườn chè ở Thái Nguyên đã bắt đầu thu hút khách du lịch tới thăm và trải nghiệm .
Với mục tiêu xây dựng được mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè xanh an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Dự án được triển khai tại các xã: Sơn Phú với diện tích chè là 25ha/năm; Phú Đình 20ha/năm và Thanh Định là 5ha/năm.
Để giúp người dân nắm được kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được 7 lớp tập huấn chăm sóc chè theo hướng sản xuất hữu cơ cho trên 300 hộ dân tham gia. Sau các lớp tập huấn người dân trồng chè Định Hoá đã nắm được kỹ thuật canh tác chè an toàn; biết cách sử dụng phân bón đúng liều lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách để sản xuất ra sản phẩm chè an toàn.
Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ các mô hình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước chuyên môn hóa trong từng khâu của chuỗi, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu.
Đặc biệt, Dự án đã trở thành cầu nối để liên kết giữa doanh nghiệp và người dân sản xuất chè, trong việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường giúp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân trong kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hợp đồng liên kết.
Từ khi được tham gia vào chuỗi liên kết, năng suất và giá trị cây chè ở Định Hoá được nâng cao. Nếu như năm 2011, năng suất chè bình quân của huyện chỉ đạt 70-80tạ/ha thì nay đã đạt 112 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 24.000 tấn; giá trị kinh tế của 1ha chè đạt 115 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2011. Chè ở Định Hoá đã luôn được các HTX, doanh nghiệp bao tiêu, không còn tình trạng tồn chè, ế hàng.
Phát triển du lịch gắn với cây chè
Để nâng cao giá trị của cây chè, tỉnh Thái Nguyên đã liên tục tổ chức Festival Trà qua các năm 2011, 2013, 2015. Hoạt động này đã góp phần quảng bá sản phẩm chè cũng như thu hút đông đảo du khách đến với Thái Nguyên. Từ nhu cầu của du khách, tỉnh Thái Nguyên và người dân trồng chè đã xây dựng hoạt động du lịch gắn với một số vùng chè trọng điểm.
Điển hình trong việc gắn phát triển cây chè với du lịch là ở vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên). Giờ đây chè Tân Cương không chỉ nổi tiếng về chất lượng mà còn làm hài lòng du khách bằng sản phẩm du lịch như: Thưởng thức chè tại tại chỗ, thăm quan các đồi chè, tìm hiểu các công đoạn sản xuất. Một số vườn chè được thiết kế hấp dẫn cho du khách chek in, chụp ảnh. Du khách cũng có thể tham gia vào các hoạt động trồng, chăm sóc cây chè…
Gắn du lịch với trồng chè ở Tân Cương đến nay đã có một số cơ sở: Cơ sở sản xuất chè Tiến Yên, cơ sở sản xuất chè Nghìn Hạnh, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt… hàng năm đã có hàng chục nghìn lượt khách tới thăm quan và trải nghiệm.
Tính đến nay, hầu hết diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đều được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế. Thái Nguyên đã có hàng nghìn hecta chè được chứng nhận VietGAP và chứng nhận an toàn khác.
Theo Langmoi